Monday 11 November 2013

Tiếng Ý


Nói về chuyện tiếng Ý, ở blog trước tôi có nói là đi làm bài tập mà kì thực tôi lên giường lướt FB rồi quên bẵng luôn.

Ngày hôm sau, sau giờ học tôi cùng hai đứa bạn cùng lớp đi ăn trưa. Đến nơi (căng tin) chúng tôi giật cả mình vì hàng dài lê thê. Thế là 3 đứa quyết định ra công viên bên cạnh ngồi chờ cho vãn vãn rồi vào. Giữa thảm cỏ là một chiếc bàn gắn liền 2 ghế dài bằng gỗ đang được hong khô dưới nắng. Chúng tôi đứa nào đứa nấy tìm chỗ có nắng để ngồi vì thời tiết thay đổi, gió hanh khô thổi mạnh khiến ai cũng bất ngờ với cái lạnh đột ngột. Hai đứa chúng nó bắt đầu cuốn thuốc lá (tabacchi). Tôi sực nhớ và lôi sách ra làm bài tập. "Chúng mày cứ hút thuốc đi nhé, tao làm bài tập tiếng Ý cho chiều nay cái!". Chúng nó hăm hở: "Ừ ừ làm đi, có gì bọn tao giúp mày làm luôn!". Thế là một trong hai đứa kể luôn lại vụ tôi và nó mải buôn dưa lê mà muộn giờ học tiếng. Hôm đó nói chuyện thế nào mà lúc nhìn đồng hồ thì còn có 5 phút là vào lớp mà bài tập thì chưa làm, thế là nó bảo: "Thôi để tao xem, xong tao đọc rồi mày cứ thế mà viết nhé, nhanh nhanh!" (tiếng Ý là "vai, vai"). Tôi nghĩ thầm thế này thì học hành nỗi gì, nhưng không còn thời gian mà nghĩ nên nó đọc đến đâu là viết đến đấy chả kịp nhìn đề bài. Thôi tin thằng này vậy (nó là người Ý cơ mà)!

Đến hôm nay kịch bản lặp lại, nhưng tình hình khác trước là bài hôm nay khó - tôi bắt đầu học đến các loại câu điều kiện. Hai đứa bắt đầu tranh luận nào là trường hợp này thì dùng động từ nào cho chuẩn (vì bài tập là chọn động từ nguyên gốc sau đó chia theo các dạng điều kiện), rồi chia như thế nào, rồi động từ phản thân thì làm ra sao... Thế rồi chúng nó quay sang tôi: "Mây, mày thấy chưa, đến bọn tao là Ý mà còn thế này, người Ý còn sai ngữ pháp nữa cơ mà!". Cuối cùng, thằng kia lôi tài liệu học của nó từ trong balo và lấy ra một bảng hệ thống ngữ pháp tiếng Ý !?!. Tôi và con bé kia nhìn nhau ngơ ngác, rồi quay ra hỏi nó: sao mày lại có cái này? mày cũng học tiếng Ý à? :))) nhưng thằng này chăm chú quá không nghe thấy gì và ngay sau đấy tìm ra "công thức". Một lúc sau chúng tôi lại tranh luận về một trường hợp động từ phản thân. Lần này thật bất ngờ và ngạc nhiên tôi lại là đứa làm đúng haha. Thế là chúng nó quay sang nhau rồi quay lại nhìn tôi: "Grande Mây!" (ý là Mây giỏi quá í mà :))) )

Tiếng Ý khó thật, đến người Ý còn nói sai ngữ pháp - đấy là câu cửa miệng mà người Ý động viên người nước ngoài học thứ ngôn ngữ văn chương uyển chuyền đẹp đẽ này. Người Ý nói nhanh (nhưng hình như chưa bằng Tây Ban Nha), với giọng điệu lên bổng xuống trầm, kết hợp với nét mặt và cử chỉ đặc trưng giúp bạn có thể nhận ra người Ý từ xa. Nhiều khi không cần nói, chỉ cần nhìn nhau với một thái độ đặc biệt nào đó, rồi thêm ngôn ngữ cơ thể là có thể hiểu ý nhau ngay. Thế mà người Ý vẫn nói nhiều hehe. Tôi rất thích cách nói chuyện của người Ý vì nó biểu lộ cảm xúc của họ một cách rõ rằng, khó ai có thể nói rằng họ không thành thật khi nói chuyện. Người Ý bị cho là nói nhiều, nói to, nhưng với tôi thì đấy là nhiệt huyết, là hết thảy những gì họ muốn truyền đạt cho nhau (tất nhiên đôi khi cũng gặp phải những người nói "quá nhiều quá to" và cũng có nhiều người rất đỗi nhỏ nhẹ). Có thể vì cách nói chuyện của tôi cũng có phần giông giống nên hơi thiên vị chăng :)

Dante Alighieri
Cứ đi từ thành phố này sang thành phố khác là bạn lại nghe một thứ tiếng khác - một câu cửa miệng khác của người Ý, ám chỉ sự khác nhau của tiếng Ý giữa các vùng miền (tiếng địa phương/thổ ngữ). Tình hình là khá giống với Việt Nam, tự hào vùng miền ở Ý rất rõ ràng. Một lần, tôi nói chuyện với một thằng bạn người Toscana về vấn đề này. Nó bảo bọn tao dùng từ "campanilista" để chỉ những người luôn tự hào về nơi mình sinh ra hoặc đang sống. Nó bắt nguồn từ từ "Campanile" là cái tháp chuông. Nguyên nhân là ở Ý, tháp chuông - nằm trong quần thể nhà thờ lớn - là biểu tượng quan trọng của một thành phố hay thị trấn. Mỗi thành phố, thị trấn đều có một nhà thờ chính kèm theo tháp chuông (ví dụ ở Pisa chính là cái tháp nghiêng, thuộc quần thể Piazza Miracoli gồm Nhà thờ lớn, nơi rửa tội, tu viện...). Chính vì thế mà ai cũng tự hào về "cái tháp chuông quê mình". Tôi không nhớ là chính nó hay một đứa khác đã cho tôi một ví dụ rất điển hình. Quay lại chủ đề tiếng Ý, tôi hỏi: Người ta nói tiếng Sicilia ở Sicilia, tiếng Napoletano ở Napoli, tiếng Veneto ở Venezia, thế ở Toscana chúng mày nói tiếng gì? Nó đáp luôn: "Ơ bọn tao nói tiếng Ý!" Trời ơi! Nhưng mọi thứ đều có nguyên nhân của nó. Người Toscana (đặc biệt là Firenze) rất tự hào vì đây là cái nôi của tiếng Ý hiện nay. Dante Alighieri là nhà thơ cổ người Ý, sinh ra tại Firenze và là người xây dựng nên tiếng Ý sau khi cho ra đời trường ca La divina commedia từ thời trung cổ (trước đó người ta sử dụng tiếng Latin pha với các thổ ngữ, và bắt đầu có một số văn phạm thổ ngữ gần với tiếng Ý). Chính vì thế mà hiện nay tiếng Ý chuẩn được cho là của vùng Toscana. Nhưng ở đây cũng vẫn có nhiều cách dùng hoặc từ ngữ địa phương. Nhờ học tiếng Ý kiểu bồi mà hôm trước đi ăn pizza, hai anh bạn tôi bảo bây giờ tôi không những nói được tiếng Ý mà còn nói tiếng Ý kiểu Toscana cơ đấy!

Hôm vừa rồi chị Giang sang Ý chơi nói với tôi: "Đúng là ở đây không nói tiếng Ý thì chả biết làm thế nào nhỉ!". Đúng thật. Mà không những cần thiết, tiếng Ý còn đẹp. Hơn nữa, theo tôi ngôn ngữ là một phần của văn hóa và xã hội nơi bạn sống. Nó giúp bạn hiểu hơn về con người, cuộc sống cũng như có được những cảm nhận thật hơn. Hiện tại tôi toàn nói tiếng Ý mới choáng chứ (thành ra tiếng Anh lại kém đi vì ít sử dụng). Được cái các bạn cũng nhiệt tình sửa và dạy từ mới, cũng thấy thích! Tôi hầu như hiểu hết nên hay nói với bọn bạn: "Tao không tỏ ra nguy hiểm, nhưng thực sự là rất nguy hiểm đấy!" (nói được câu này bằng tiếng Ý theo đúng tinh thần Việt Nam mà chúng nó cũng tiếp thu đúng kiểu Việt Nam mới sướng chứ!!!)

Tôi mới xem phim La Dolce Vita (tất nhiên là bằng tiếng Ý không phụ đề :P) - một bộ phim nói về xã hội thành thị Italia (cụ thể là Rome) vào những năm 50 - 60 của thế kỉ 20 sau chiến tranh. Tôi chọn một cảnh đêm tại Đài phun nước Trevi (Fontana di Trevi) cực kì đẹp mà tôi và con bé Ý (ở trên) xuýt xoa không ngớt, còn tả lại cảnh với giọng điệu em diễn viên trong phim: Marcello, come here..




1 comment:

  1. Thấy được không khí học, chơi và vui của nàng :)

    ReplyDelete